Tên miền Internet nhạy cảm ở đây được xem là những tên miền có chứa yếu tố sex (tạm hiểu là tình dục và những chuyện liên quan đến tình dục). Thực ra, trước đây, công luận đã lên tiếng về việc này. Tuy nhiên, không hiểu vì sao VNNIC vẫn tiếp tục cấp những tên miền nhạy cảm.
Để tìm hiểu vấn đề, chúng tôi đã trực tiếp vào trang chủ của VNNIC ( www.vnnic.vn ) để tìm hiểu. Kết quả thật đáng ngạc nhiên và khiến nhiều người suy nghĩ. Hàng loạt tên miền nhạy cảm đã được VNNIC thoải mái cấp, không điều kiện.
Cụ thể, tên miền lauxanh.com.vn đã được cấp cho ông Zhuo Huang (tháng 7-2007) và hiện được duy trì tại Công ty Hi-tek, Inc ở nước ngoài. Tên miền lauxanh.vn cũng được cấp cho Viet Nguyen INDIVIDUAL (tháng 1-2008). Một điều khá “bất ngờ” là không ít cá nhân, tổ chức đã được VNNIC dễ dàng cấp những tên miền như sexy.edu.vn (cấp cho ông Ngô Quang Hoàng vào tháng 3-2009, đăng ký duy trì tại Công ty TNHH PA Việt Nam).
Tên miền sexshops.vn (cấp tháng 11-2008), sexshops.com.vn (tháng 11-2008), sexgames.com.vn (tháng 2-2008), sexgames.vn (tháng 2-2008) được cấp cho ông Hoàng Ngọc Anh, hiện đăng ký duy trì tại Công ty Hi-tek, Inc ở nước ngoài.
Các tên miền sexy.com.vn (tháng 6-2006) và sexy.vn (tháng 8-2006) cũng đã được Công ty Hi-tek, Inc sở hữu. 2 tên miền mà chỉ đọc lên đã thấy rất nhạy cảm là sexchat.com.vn và sexchat.vn (đều cấp tháng 10-2008) cũng được cấp cho ông Hoàng Ngọc Anh…
Chỉ cần nhìn hoặc đọc lên những cái tên miền như lauxanh, sexy, sexshops thì đã thấy rõ yếu tố nhạy cảm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà những tên miền này lại được VNNIC xét cấp một cách dễ dàng như vậy?
Hậu kiểm được không?
Đã rất nhiều lần báo chí lên tiếng cảnh báo về những hệ luỵ khi cấp những tên miền nhạy cảm như trên. Vào năm 2008, các báo đã phản ánh việc tên miền hinhsex.vn sau khi được cấp đã đăng tải toàn hình ảnh và nội dung khiêu dâm, đồi truỵ. Sau đó, tên miền nay đã được VNNIC thu hồi.
Được biết, rất nhiều tên miền khác như sexy.gov.vn, sexy.org.vn, sexy.health.vn, sexy.net.vn… vẫn đang trong diện chờ được cấp. Gần đây, VNNIC tuyên bố là đối với tên miền dạng này, VNNIC sẽ cứ cấp và sau đó sẽ hậu kiểm.
Theo ông Trần Minh Tân – Phó Giám đốc VNNIC, các tên miền có yếu tố nhạy cảm về chính trị, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia đương nhiên sẽ phải quản lý chặt.
Còn các tên miền nhạy cảm theo kiểu dễ gây hiểu nhầm, ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục thì đôi khi do tính đa nghĩa (vừa có thể hiểu theo nghĩa lành mạnh vừa có thể hiểu theo nghĩa xấu) nên không thể cấm các chủ thể đăng ký sử dụng mà cách quản lý sẽ là hậu kiểm. Vấn đề là liệu VNNIC có thể hậu kiểm được tất cả hay không?
Các chuyên gia Internet đều cho rằng, việc hậu kiểm những tên miền nói trên đối với VNNIC là quá khó. Những website có tên miền .vn khi có yếu tố đồi truỵ, dung tục hầu hết đều do dư luận phát hiện và kiến nghị, sau đó VNNIC mới xem xét và xử lý.
Ngay tại thời điểm hiện tại, tên miền lauxanh.vn và lauxanh.com.vn đang chỉ đến một website khiêu dâm cùng nhiều hình ảnh khêu gợi. Trong khi đó, tên miền sexgames.vn của ông Hoàng Ngọc Anh lại dẫn đến 1 trang thông báo về việc ông này sở hữu một loạt tên miền .vn có chứa từ “sex”, như là hình thức “đầu cơ” tên miền nhạy cảm, cần người hợp tác (có cả số di động của ông Hoàng Ngọc Anh để ai quan tâm đến những tên miền này có thể liên lạc)…
Với những dẫn chứng nói trên, có thể thấy rằng, việc cấp tên miền nhạy cảm có yếu tố sex của VNNIC hiện nay là quá sơ hở. Nếu với cơ chế cấp tràn lan như hiện nay để rồi “hậu kiểm” thì chẳng khác nào chuyện “thả mồi bắt bóng”.
Như đã phân tích ở trên, việc “bắt bóng” của VNNIC trong việc này là rất khó khăn và không phải lúc nào cũng thành công. Và khi đó hậu quả rất khó lường đối với xã hội. Vậy tại sao VNNIC không quản ngay từ đầu? Khi mà mọi chuyện dễ dàng hơn rất nhiều so với việc “bắt bóng” hiện nay của VNNIC…
“Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” và tên miền cấp dưới của tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” là một phần của tài nguyên thông tin quốc gia, có giá trị sử dụng như nhau và phải được quản lý, khai thác, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký và sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. Tên miền đăng ký phải thể hiện tính nghiêm túc để tránh gây sự hiểu nhầm hoặc xuyên tạc do tính đa âm, đa nghĩa hoặc khi không dùng dấu trong tiếng Việt”.
Trích Điều 68 về bảo vệ tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” của Luật Công nghệ thông tin Việt Nam.
- Sếp méo mặt vì nhân viên mải trồng cây trên mạng
- Phải hoan hô Vovinam!
- Microsoft ưu đãi cho ngành Giáo dục Việt Nam
- Top 10 Add-on “hot” nhất dành cho Firefox
- Microsoft Vietnam tham gia chương trình “Máy tính học đường”
- Google và Bing “khó sống” ở Trung Quốc
- Microsoft ưu đãi giá Vista cho ngành giáo dục
- Microsoft tham gia chương trình Máy tính học đường
- Mạng xã hội cho những người “độc thân”
- Hội Nhà văn đã có trang website
- Windows 7 chưa ra mắt đã bị hack
- Kinh doanh tên miền: Nghề hái ra tiền
- Tranh chấp tên miền Internet, giải pháp nào?
- “Chăn” tên miền
- Tên miền Việt sốt giá
- Viễn thông Thanh Hoá mạnh về phát triển CNTT
- Chưa được mua bán tên miền .vn
- Tên miền .vn thời “loạn”?
- Chuyển nhượng tên miền .vn: Nên hay không?
- Tên miền quốc tế hay quốc gia an toàn như nhau